
Nông sản: Nơi dư thừa, nơi thiếu hàng cục bộ tại 1 số tỉnh thành phía Nam
Theo Bộ NN & PTNT cho biết, hiện tại đã có 388 đầu mối cung ứng nông sản, thực phẩm tại các tỉnh và thành phố phía Nam có dấu hiệu dư thừa nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế lượng hàng hóa vẫn thiếu hụt nguồn cung tại một số địa phương. Các siêu thị trên địa bàn TP.HCM tuy tăng lượng hàng nhưng vẫn không bù đắp được lượng hàng thiếu hụt từ chợ đầu mối và chợ dân sinh. Đồng thời, nhiều nông sản bị mắc kẹt ở các tỉnh, thành khác. Mà nguyên nhân chính là do công tác vận chuyển khó khăn. Hãy theo dõi bài viết sau của chúng tôi để biết thêm về thông tin thị trường nhé.
Nông sản: Nơi thừa, chỗ thiếu
Theo lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM, hiện thành phố chỉ còn 59 chợ truyền thống hoạt động; trước đây, lượng hàng về các chợ đầu mối khoảng 7.000-7.500 tấn/ngày. Khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng hàng chỉ còn 4.500-5.000 tấn. Và khi dừng 3 chợ đầu mối, lượng hàng chuyển về chỉ còn khoảng 2.000 tấn/ngày.
Kênh phân phối hàng qua siêu thị đã tăng gấp 1,5 lần so với ngày thường. Nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đủ cho thị trường. Trao đổi với chúng tôi, đại diện của nhiều kênh phân phối hiện đại cho biết. Họ đang gặp nhiều khó khăn khi đưa hàng hóa về TPHCM.
Do các nhà vận chuyển gặp một số khó khăn
Đại diện MM Mega Market Việt Nam nói: “Các nhà vận chuyển đang gặp một số khó khăn. Như tài xế phải chờ xét nghiệm hoặc đang trong khu vực phong tỏa. Dẫn đến không đủ nhân lực để giao hàng. Hơn nữa, các bệnh viện đều quá tải xét nghiệm. Do vậy, tài xế phải xếp hàng chờ cả ngày và chi phí xét nghiệm tăng rất cao; kết quả từ 12-24 giờ mới có trong khi hiệu lực test chỉ có giá trị trong vòng 3 ngày. Thậm chí, tài xế có xét nghiệm PCR và có giấy đi đường của MM Mega Market; có 3 tỉnh thành không cho xe vào giao hàng”. Trong khi đó, đại diện Bách hóa Xanh nói rằng, nhiều tài xế không muốn chở hàng đi tỉnh do quy định cách ly 21 ngày với người từ TPHCM.
Bà Trang, thương lái chuyên cung cấp rau Đà Lạt cho tiểu thương TPHCM, nói rằng, dù rau của nhà nông rất nhiều, nhưng đưa hàng xuống TPHCM gặp nhiều khó khăn. “Trước đây, việc vận chuyển nông sản từ Lâm Đồng về TPHCM chỉ mất khoảng 7-8 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, do dịch bệnh, nhiều cơ quan tổ chức kiểm soát y tế nên mạch vận chuyển bị gián đoạn khiến thời gian hành trình bị đẩy lên thành 12-15 giờ, thậm chí hơn. Rau đưa được đến nơi có khi đã héo úa, dập úng nên hàng không bán được. Dẫn tới tiểu thương từ chối nhận”, bà nói.
Điêu đứng vì giá nông sản giảm
Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), cho biết, hiện nay nhiều loại trái cây như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… đang đồng loạt vào vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào, nhưng nguồn tiêu thụ đang gặp khó. Người chăn nuôi nhỏ lẻ cũng đang điêu đứng vì giá gia cầm, heo hơi cũng đồng loạt giảm. Hiện giá heo hơi bán tại trại chỉ còn 54.000-56.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với tháng trước.
Nhiều nông sản cũng đang vượt cầu
Trong khi đó, một số mặt hàng rau củ như khoai lang tím và dứa có sản lượng đăng ký tăng đột biến, dưa leo cung vượt cầu. Ở nhóm trái cây, nhãn đang vào mùa, lượng cung cấp lên đến 700 tấn/ngày đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, nhất là nhãn xuồng cơm vàng đã quá lứa, rụng nhiều; nhãn Ido tạm thời còn giữ lại trên cây.
Dự báo những ngày sắp tới, các mặt hàng dưa leo, nhãn, dứa, chanh, khoai lang, gà lông trắng, cua và tôm nước mặn cung vượt cầu. Hầu hết các tỉnh, TP đã tạm hoàn chỉnh hệ thống cập nhật dữ liệu của các đầu mối cung cấp nông sản . Nhiều địa phương hình thành các điểm bán nhu yếu phẩm cho người dân, đáp ứng các biện pháp phòng dịch.
Để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Phùng Đức Tiến đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị chủ động rà soát kế hoạch sản xuất và cụ thể hóa danh mục vật tư nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19. Cụ thể, UBND các tỉnh, TP cần rà soát tình hình, kế hoạch sản xuất các loại nông sản trên địa bàn để có phương án cụ thể, phù hợp đối với các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản bảo đảm thúc đẩy sản xuất.